Sự nghiệp Julie Quang

Julie bước vào con đường nghệ thuật chính do sự khuyến khích của mẹ cô.

Julie đi hát với những ban nhạc trẻ vào những năm cuối thập niên 60. Cô hát nhạc Anh cho các căn cứ quân đội Hoa Kỳ ở Long Bình, Biên Hòa, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Tân Sơn Nhất...[3]

Cô khởi sự bước qua lãnh vực tân nhạc kể từ những năm đầu của thập niên 70 và đã tạo ngay được sự thành công qua sự dẫn dắt của nhạc sĩ Phạm Duy cùng với những nhạc phẩm của ông. Vào thời kỳ này, theo ý của nhạc sĩ Phạm Duy cô lấy tên là Julie Quang khi lập gia đình với Duy Quang - người con cả của Phạm Duy[1]. Cô dùng lại tên Julie sau khi chia tay Duy Quang.

Giọng hát của Julie Quang tự bản chất là trong trẻo. Nhưng cô tập hát bằng giọng ngực nên giọng mới khàn khàn[4].

Năm 1970 cô cùng các người con trai của nhạc sĩ Phạm Duy thành lập ban nhạc Dreamers. Trong thời gian này cô và ban Dreamers trình diễn ở nhà phòng trà Ritz của ca sĩ Jo Marcel[5].

Julie rời Việt Nam sang Pháp vào dịp Giáng sinh năm 74 và kẹt tại đây vì biến cố tháng 4 năm 75.

Sau 30.4.75, dù đã li thân với ca sĩ Duy Quang nhưng cô cũng đứng ra bảo lãnh cho anh qua Pháp. Năm 1980 cô cũng Duy Quang qua Mỹ đoàn tụ với gia đình nhạc sĩ Phạm Duy[5].

Ra hải ngoại, Julie hoạt động khá nhiều. Cô xuất hiện trên video Thanh Lan và Trung tâm Asia và nhiều CD. Cô còn là một nhạc sĩ sáng tác, những nhạc phẩm "Anh Tuyệt Vời", "Ngàn năm vẫn đợi" (viết chung với Khúc Lan) đã được giới yêu nhạc mến mộ[6].

Trong cuốn video chủ đề "Tác Giả & Tác phẩm" (Đêm Sài Gòn 6) của Trung tâm Asia cô trình bày nhạc phẩm Nửa Hồn Thương Đau của Phạm Đình Chương (theo ý thơ Thanh Tâm Tuyền)[4].

Trong cuốn video thứ 11 của Trung tâm Asia chủ đề "Thơ và Nhạc" cô trình bày bài "Người Đi Qua Đời Tôi" của Phạm Đình Chương (phổ thơ Trần Dạ Từ)[4].